Bình Phước đẩy mạnh hành chính công

Thời gian qua, người dân và doanh nghiệp tại địa phương từng bước làm quen với cách đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến. Anh Nguyễn Bá Quang (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cho biết, Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp tổ chức các quầy hỗ trợ người dân tra cứu thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến. Cùng với đó là linh hoạt triển khai tổng đài tự động thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua tin nhắn để người dân kịp thời đến nhận kết quả.





Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp có thể tự tra cứu để biết hồ sơ của mình đang thực hiện ở công đoạn nào. Ảnh: Báo Bình Phước

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp có thể tự tra cứu để biết hồ sơ của mình đang thực hiện ở công đoạn nào. Ảnh: Báo Bình Phước

Theo thống kê, hiện 100% thủ tục hành chính của huyện Bù Đốp đã được cung cấp qua cổng dịch vụ công. Hồ sơ xử lý qua mạng đã rút ngắn thời gian 40-60%. Người dân được tạo điều kiện khi thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Chị Đinh Thị Huê, nhân viên Trung tâm của huyện chia sẻ, Trung tâm đã triển khai nhiều kênh giao tiếp, trao đổi thông tin với người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Các phương thức thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính không dùng tiền mặt đang nhận được sự hưởng ứng của người dân vì sự tiện lợi.

Cánh cửa bước vào thế giới số của người dân rộng mở hơn khi thông tin công dân dần được tích hợp trên thẻ căn cước công dân gắn chíp, cùng với ứng dụng VNeID sẽ giúp người dân chỉ cần sử dụng thẻ căn cước thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước.

Như trong lĩnh vực y tế, người dân đi khám, chữa bệnh chỉ mang theo thẻ căn cước công dân là đã tích hợp đủ giấy tờ. “Thay vì mang thẻ bảo hiểm y tế và nhiều giấy tờ tùy thân khác khi đến khám, chữa bệnh, tôi chỉ cần sử dụng thẻ căn cước để quét trên máy. Sau vài phút, tôi đã hoàn tất việc đăng ký khám, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế”, anh Hoàng Ngọc Tiên ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long cho biết.

Để có thể đưa nhiều hơn nữa người dân lên môi trường số, các tổ công nghệ số cộng đồng đã đến địa bàn hỗ trợ trực tiếp, từ việc tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia đến sử dụng các dịch vụ số thiết yếu gắn với đời sống dân sinh như y tế, giáo dục, thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến…

Hiện tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh tại Bình Phước đạt 78%; mạng di động 3G/4G đã phủ sóng toàn bộ 843 thôn, ấp. Theo đó, người dân trong tỉnh dễ dàng thực hiện các thao tác, sử dụng tiện ích thông minh như thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ online, tra cứu hay nộp hồ sơ điện tử.





Người dân thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số

Người dân thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số. Ảnh: Báo Bình Phước

Nhờ có nhiều công dân số, tổ chức số nên việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trở nên nhanh gọn hơn. Quá trình giải quyết hồ sơ của cấp dưới được thực hiện đến đâu, cấp trên có thể nắm được đến đó nhờ kiểm tra trên hệ thống, xử lý trên mạng.

Bình Phước hiện có hơn 1.400 dịch vụ công được kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Thủ tục hành chính nộp trên dịch vụ công trực tuyến theo quy trình khép kín từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số đến trả kết quả trên môi trường mạng.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 5 tháng đầu năm đã tiếp nhận gần 27.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến là hơn 22.000, hồ sơ công khai mức độ 3, 4 là hơn 22.800, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 97%.

Mới đây, trung tâm phối hợp Sở Giao thông Vận tải và Bưu điện tỉnh triển khai đổi giấy phép lái xe mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, người dân có thể tự làm các thủ tục đổi giấy phép lái xe mà không cần đến trụ sở của các cơ quan nhà nước như trước.

Theo lãnh đạo địa phương, khó khăn các đơn vị gặp phải là người cao tuổi, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhanh nhạy trang bị kỹ năng trở thành công dân số; vẫn có những thời điểm hệ thống xử lý văn bản còn chậm do chất lượng đường truyền chưa ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính.

Ngân Hà

Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top