‘Chỉ 20% dân số Việt Nam vay qua ngân hàng’

Theo chuyên gia Trần Nhật Nam, chỉ 20% dân số Việt Nam tiếp cận hình thức vay qua ngân hàng, còn lại thường tìm đến công ty tài chính.

Ông Trần Nhật Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư SHB cho biết, hiện nay, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang phát triển. Họ thường thu thập nhu cầu của người vay rồi chuyển qua các công ty tài chính được cấp phép, một số sẽ chuyển đến các tiệm cầm đồ hoặc các hệ thống cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Nếu người tiêu dùng không nhạy bén, rất dễ trở thành nạn nhân của cho vay lừa đảo. Ông Nam đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề vay tiêu dùng tín chấp trong dịch Covid-19.

Ông Trần Nhật Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư SHB. Ảnh: NVCC

Ông Trần Nhật Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư SHB. Ảnh: NVCC

– Dịch bệnh đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng do người dân gặp khó khăn tài chính. Ông đánh giá thị trường này thế nào?

– Tôi đánh giá vay tiêu dùng tín chấp là một hình thức cho vay hiệu quả vì đáp ứng nhanh nhu cầu của người vay, đặc biệt trong đại dịch. Hiện nay, nhiều người dân khó tiếp cận được những kênh vay khác nên họ cần sự nhanh nhạy. Ngoài ra, tính hiệu quả cần được đánh giá ở nhiều khía cạnh khác như mức độ đáp ứng nhu cầu thực tế của người vay, lãi suất, mục đích vay và hệ lụy về sau.

Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng so với cuối 2020. Do đó, tỷ lệ vay tiêu dùng trong đại dịch không tăng nhiều vì thực chất, người dân vay tín chấp không phải chỉ phục vụ mục đích tiêu dùng mà còn cho nhiều mục đích khác như: Mua tài sản giá trị, chi phí y tế bất ngờ. Khi đó, họ sẽ tìm đến giải pháp vay tín chấp để giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Thậm chí, vay tiêu dùng tại Việt Nam còn đáp ứng một số nhu cầu về tệ nạn xã hội (nghiện hút, cờ bạc…). Khi một số đối tượng đã vướng vào tệ nạn xã hội, họ sẽ bị chủ nợ đòi, tín dụng đen truy lùng nên buộc phải tìm đến vay tín chấp để đảo nợ tạm thời.

– Vậy tỷ lệ người tiêu dùng bị lừa trong đại dịch ra sao, thưa ông?

– Thực tế, các công ty tài chính “trôi nổi” được thành lập với cơ chế thúc ép, một số công ty còn cử những “nhân viên tín dụng” nhưng thực chất là những người môi giới tìm đến các khu lao động và dúi tiền vào tay những người đấy, nhằm nâng cao KPI bán hàng.

Do vậy, người tiêu dùng rất dễ “sập bẫy” cho vay kèm theo lời chào mời không thực tế từ những đối tượng này. Tôi dự đoán tỷ lệ bị lừa tăng khoảng 20% trong đại dịch. Tuy nhiên, đây không phải điều gì quá khủng khiếp vì nó đã tồn tại từ lâu.

– Thủ đoạn lừa đảo cho vay đang diễn biến ngày càng tinh vi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Theo ông, đối tượng nào thường dính “bẫy”?

– Theo tôi, không chỉ trong đại dịch, nạn tín dụng đen cũng đã hoành hành từ lâu. Người dân nói chung và những đối tượng bị mất việc làm trong đại dịch nói riêng buộc phải tìm đến các nguồn vay để duy trì cuộc sống. Đây là những đối tượng chịu sức ép tài chính rất lớn, liên quan đến những tệ nạn xã hội hoặc các chi phí y tế khẩn cấp.

Mặt khác, quy chế tín dụng tiêu dùng, tín dụng cá nhân và cho vay tại Việt Nam chưa rõ ràng, tạo điều kiện cho một số hình thức cho vay online qua app tài chính bắt đầu xuất hiện khiến nhiều người bị sập bẫy.

– Ông có thể nêu ra những hình thức cho vay tín chấp phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay?

– Tại Việt Nam có khá nhiều hình thức vay tín chấp, hình thức chính thống phổ biến nhất là vay qua hệ thống ngân hàng. Khi người vay có tài khoản ngân hàng, có thẻ tín dụng hoặc được ngân hàng đánh giá điểm tín nhiệm, họ có thể nộp hồ sơ vay theo 2 hình thức: Vay theo thẻ tín dụng (hình thức phổ biến và nghiêm túc nhất trên thế giới) và vay tiền mặt.

Hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang triển khai hình thức cho vay tiền mặt trực tiếp (Cash flow loan). Tại đây, khách hàng có thể vay để sửa nhà, mua xe, đóng tiền học, chữa bệnh… với điều kiện có lịch sử thu nhập, giao dịch với ngân hàng rõ ràng.

Tuy nhiên, tôi đánh giá chỉ có 20% dân số trưởng thành Việt Nam tiếp cận được hình thức vay ngân hàng, số còn lại thường tìm đến các hình thức vay khác như qua công ty tài chính. Các công ty tài chính cũng có 2 dạng, một dạng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và một dạng vay qua các công ty công nghệ tài chính (Fintech).

Đối với hình thức vay qua các công ty Fintech, họ thường thu thập nhu cầu của người vay rồi chuyển qua các công ty tài chính được cấp phép, một số lại chuyển đến các tiệm cầm đồ hoặc các hệ thống cho vay nặng lãi, tín dụng đen… Nếu người dùng không để ý sẽ không phân biệt được 2 hình thức này, dễ bị “sập bẫy” tín dụng đen.

Lừa đảo cho vay đang hướng đến đối tượng người lao động khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: Phạm Dự

Lừa đảo cho vay đang hướng đến đối tượng người lao động khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: Phạm Dự

– Lướt một vòng trên Internet có thể bắt gặp rất nhiều app tín dụng khiến người tiêu dùng khó nhận biết đâu là app an toàn. Ông có thể chỉ rõ, cách thức hoạt động của các app vay tiền hiện nay?

– Khi người tiêu dùng tìm kiếm thông tin về các tổ chức cho vay trên Internet, hàng nghìn kết quả được đưa ra, liên quan đến nhập thông tin và nhu cầu của người vay. Thông tin đấy sẽ được chuyển qua các nhà cung cấp tín dụng, với hai dạng như tôi đã chia sẻ. Các tổ chức này sẽ tạo app để ghi nhận nhu cầu vay của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong vô vàn app cho vay, không phải app nào cũng tạo bẫy cho người tiêu dùng. Khá nhiều app cho vay chính thống, nghiêm túc, có nền tảng công nghệ tiên tiến hỗ trợ người tiêu dùng cũng như các công ty tài chính cần tìm khách hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, những app này rất ít, hầu hết là các app trung gian để lấy thông tin khách hàng.

– Ngoài hậu quả trước mắt, dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, ông có thể đưa ra hệ lụy cho người tham gia vay tiền qua các app lừa đảo?

– Có thể thấy rõ thông tin của khách hàng sẽ bị chuyển đến các hệ thống cho vay nặng lãi, tín dụng đen, để lại hậu quả rất lớn. Họ bị “sập bẫy” với lời quảng cáo lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất và họ không đọc kỹ các điều kiện đi kèm. Tuy nhiên, ẩn đằng sau là hàng loạt chi phí khác buộc người tiêu dùng phải trả. Họ vay 10 triệu đồng nhưng có thể chỉ được giải ngân 4-5 triệu đồng vì app và bên cung cấp tín dụng đã cắt phí.

Đặc biệt, khách hàng chỉ được vay trong thời gian rất ngắn, khoảng 1-2 tuần. Nếu không trả đúng hạn, họ sẽ bị áp lãi phạt, lãi mẹ đẻ lãi con. Đây thực sự là nỗi nhức nhối trong thị trường tín dụng đen tại Việt Nam hiện nay.

– Trong quá trình đẩy lùi tình trạng lừa đảo này, cơ quan quản lý cần đưa ra giải pháp thế nào?

– Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất xét theo góc độ vĩ mô là hệ thống hỗ trợ an sinh xã hội của Việt Nam chưa nắm rõ từng cá nhân nên nhận được mức hỗ trợ thế nào. Đây là bài toán không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, cần sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.

Thách thức tiếp theo là phải giải quyết được vấn đề việc làm cho đối tượng lao động tự do. Gần đây, tôi nhận thấy một khía cạnh rất tốt từ các ứng dụng cung cấp việc làm cho đối tượng lao động tự do như Grab, Be, Uber… Họ đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội Việt Nam.

Những ứng dụng đó giải quyết được nhu cầu việc làm cho những người không có việc làm ổn đinh và người thất nghiệp. Khi những đối tượng này đã kiếm được thu nhập, họ sẽ được giảm bớt căng thẳng tài chính, tránh được các tệ nạn xã hội dẫn đến vay tín dụng đen. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tội phạm trộm cắp vặt đã giảm đi rõ rệt. Nhà nước nên khuyến khích các nền tảng mang tính tạo công ăn việc làm như vậy.

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục ý thức vay tiêu dùng cho người dân đang gặp nhiều khó khăn vì những người này không được tiếp cận nhiều với thông tin và các kênh giáo dục chính thống.

Ngoài ra, cơ chế quản lý tín dụng đen của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đưa ra vẫn còn kẽ hở để tín dụng đen phát triển.

– Để giải quyết vấn đề thực tiễn trước mắt, ông có thể đưa ra một số mẹo tránh “bẫy” cho người tiêu dùng đi vay hiện nay?

– Khi người tiêu dùng có nhu cầu vay tiền nên tìm đến website của Ngân hàng Nhà nước. Website này sẽ liệt kê thông tin khá rõ ràng về tất cả công ty tài chính đã được cấp phép. Khách hàng nên tập trung vào đây, tránh tìm đến những app online không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, khi sử dụng một app cho vay online, được đơn vị đó gọi đến để hỏi về nhu cầu, làm hồ sơ vay, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin công ty cho vay. Sau khi biết tên công ty, người tiêu dùng chỉ cần tìm kiếm thông tin trên Internet để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, chúng ta nên đọc kỹ, hỏi kỹ về các giấy tờ, mức phí, lãi suất và thời hạn trả trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Thanh Thư

Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top