“Chuỗi sống còn” cứu người giao hàng ở Hà Nội bỗng hôn mê khi đang làm thủ tục khám


Bệnh nhân là anh H.C, làm nghề giao hàng, 43 tuổi ở Hà Nội, có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp nhiều năm. Trên đường đi làm, anh C cảm thấy tức ngực khó thở đột ngột nên vào khám tại Khoa Cấp cứu (C1-3), Bệnh viện 108.

Tại đây, đang làm thủ tục đăng ký khám, anh C đột ngột ngừng tuần hoàn, thở ngáp, hôn mê. Ngay lập tức anh được các nhân viên y tế thực hiện “chuỗi sống còn”: cấp cứu ép tim, hội chẩn liên khoa và can thiệp mạch vành cấp cứu sau đó chuyển về Khoa Hồi sức tim mạch điều trị.

Bác sĩ chẩn đoán anh C bị nhồi máu cơ tim cấp tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước – một nhánh mạch lớn nuôi dưỡng quả tim. Nếu kéo dài thời gian và đợi đủ các thủ tục, cơ hội cứu tính mạng của anh sẽ thấp hơn do hoại tử cơ tim tiến triển, hậu quả nặng nề. Trong khi đó, với nhồi máu cơ tim, thời gian là vàng, càng tái thông sớm mạch máu bị tắc thì càng nhiều tế bào cơ tim sẽ được cứu.

Mặt khác, với trường hợp can thiệp cấp cứu, cần phải có sự đồng thuận và ký giấy cam đoan từ phía người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, anh C đến khám một mình không có người thân đi cùng, anh cũng không có bảo hiểm y tế, tình trạng bệnh nguy kịch, thủ thuật nhiều rủi ro, chi phí điều trị lớn.

Chuỗi sống còn cứu người giao hàng ở Hà Nội bỗng hôn mê khi đang làm thủ tục khám - Ảnh 1.

“Chuỗi sống còn” cấp cứu ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện 108

Một bên là tính mạng của người bệnh, một bên là thủ tục hành chính, tài chính, các bác sĩ đã không ngần ngại, lập tức quyết định bằng mọi cách cứu chữa cho anh C.

Sau nỗ lực tìm mọi cách liên lạc với gia đình anh C; không thể chờ đợi thân nhân người bệnh có mặt trực tiếp, qua cuộc gọi điện thoại, các bác sĩ đã thuyết phục được gia đình đồng thuận thực hiện can thiệp tái thông động mạch vành và hồi sức.

Nhận được sự đồng ý, các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch và Khoa Hồi sức Tim mạch đã nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân, anh C vừa thở máy, vừa dùng thuốc cấp cứu, vừa ép tim, đồng thời can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành.

Các thông số chức năng của anh C nhanh chóng cải thiện, giảm dần các thuốc vận mạch, an thần…

Một ngày sau can thiệp cấp cứu, ý thức anh C đã hồi phục hoàn toàn, rút ống nội khí quản, giảm dần các thuốc hồi sức tim mạch. Chức năng các cơ quan khác của anh hoàn toàn ổn định và ra viện sau 5 ngày điều trị.

BS Phạm Văn Chính, Khoa Hồi sức tim mạch, người điều trị cho anh C, cho biết, với bệnh nhân ngừng tim, yêu cầu đầu tiên là phải ép tim ngay lập tức và phải đảm bảo cấp cứu có chất lượng, kỹ thuật tốt. Điều này giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục nhịp tim và tránh được tổn thương não.

Đồng thời, thầy thuốc phải tìm nguyên nhân và giải quyết được nguyên nhân đúng cách thì mới có kết quả điều trị tối ưu, hạn chế những biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

V.Thu





Nguồn bài viết

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top