Dân số Việt Nam bước vào giai đoạn già năm 2036

Vào năm 2036, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người già, tỷ trọng 14% dân số, kéo theo các thách thức chăm sóc sức khỏe.

Thông tin được ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm Thích ứng với già hóa dân số và Chăm sóc Người Cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam, ngày 29/8.

Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Sau 10 năm, số người cao tuổi chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người. Dự báo, số này tăng lên 16,8 triệu vào năm 2039; 25,2 triệu vào năm 2069. Như vậy, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ 2036, khi tỷ trọng nhóm dân số từ trên 65 tuổi đạt 14% tổng dân số.

“Nếu như năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có một người cao tuổi; 50 năm sau (2069), cứ 2 trẻ sẽ có 3 cụ già”, ông Hoàng nói, thêm rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Thời gian để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già rất ngắn, khoảng 25 năm, trong khi các nước phát triển là hàng chục năm.

Ông Hoàng cho biết già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.

Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ.

Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi. Tuy nhiên, năm 2021, tuổi thọ trung bình đã giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi do ảnh hưởng của dịch Covid. Người dân nước ta có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Mỗi người Việt Nam trung bình có 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

PGS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội, cho biết khoảng 22% người cao tuổi phải nằm viện trong vòng một năm qua. Số lần điều trị nội trú trung bình là 2,3 lần/năm. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho người cao tuổi cao gấp 8-10 lần người trẻ.

Đặc biệt, 73% người già Việt Nam không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái, theo số liệu từ Tổng cục Dân số. Trong đó, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.





Người già kiểm tra đường huyết tại bệnh viện. Ảnh:Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Người già kiểm tra đường huyết tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Trước những thách thức trên, các chuyên gia khuyến nghị cần đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là một trong những biện pháp “lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ”. Ngoài ra, cần mở rộng các mô hình chăm sóc, điều trị người cao tuổi có sự tham gia của tư nhân như các trung tâm, câu lạc bộ… trước bối cảnh các cơ sở y tế công còn hạn chế về lão khoa.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, GS Naoki Kondo, Trưởng khoa Dịch tễ học xã hội, Trường Y tế Công cộng, Đại học Kyoto, khuyên Việt Nam nên tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng và việc phát huy vai trò, chăm sóc người cao tuổi.

Đơn cử, Nhật Bản thành lập “quán” cộng đồng tại các địa phương, tức là nơi người già có thể tụ tập, giao lưu, tương tác, từ đó ngăn ngừa khuyết tật chức năng ở nhóm này. Mô hình được đánh giá có thể làm giảm 50% tỷ lệ người cần chăm sóc điều dưỡng.

Lê Nga


Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top