“Đất vàng” nhưng không đẻ ra vàng

Lãng phí đất công

Quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất một trong những lĩnh vực quan trọng của TP. Hà Nội. Để tránh lãng phí tài sản công, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.700 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đạt khoảng 97% với tổng diện tích đất hơn 43,7 triệu mét vuông, diện tích nhà là hơn 9,9 triệu mét vuông.

“Đất vàng” nhưng không đẻ ra vàng -0
Rạp Tháng 8 được dành ra 1 phần để cho thuê.

Theo báo cáo của HĐND TP. Hà Nội, đa số các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tài sản là trụ sở hoạt động. Trụ sở Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất địa chỉ tại 354A Lê Duẩn được bàn giao cho công ty quản lý từ năm 1997, đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hay như Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển thủy lợi Hà Nội có 65 cơ sở nhà đất chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất và chưa được cắm mốc giới cụ thể…

Báo cáo cũng chỉ ra, trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố còn phân tán. Nhiều sở, ban, ngành có trụ sở tại 2 địa điểm trở lên. Nhiều địa điểm có tình trạng sử dụng sai mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp ranh giới, mốc giới như Trường Đại học Thủ đô, Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm, Trung tâm Văn hóa và Thông tin thể thao Hai Bà Trưng, trụ sở UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), Trụ sở UBND phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai)…

Một trong những địa điểm được xẻ thành nhiều phần cho thuê nhất và khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi nhất chính là điểm nhà chuyên dùng số

“Đất vàng” nhưng không đẻ ra vàng -0
Khu nhà đất 9.000 m2 được Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến Đầu tư cho xây dựng thành những khu nhà cấp 4 để cho thuê lại.

281 phố Đội Cấn (quận Ba Đình). Đây là điểm nhà chuyên dùng cho Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuê hơn 9.000 m2. Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, công ty này đã biến tướng thành nhà xưởng cấp 4, cho các tổ chức, cá nhân thuê lại làm các dịch vụ.

Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ mặt tiền của tòa nhà đã được công ty này cho Công ty TNHH Hà Thủy thuê để làm showroom xe máy. Đặc biệt phía trong khu đất 9.000m2 này Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư chia làm nhiều khu vực khác nhau có hàng chục đơn vị, cá nhân thuê lại như: Siêu thị Winmart, nhà kho chứa hàng của Viet Nam post, gara ôtô, quán bia, nhà hàng ăn uống.

Những nhà chuyên dùng không chỉ bị xé lẻ cho thuê mà rất nhiều nơi có vị trí đắc địa lại đưa cho thuê với giá “cực bèo”. Như ngôi nhà chuyên dùng số 26 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) với diện tích nhà 353m2, diện tích đất 435m2, nhưng tổng tiền cho thuê cả nhà và đất chỉ có hơn 39,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó theo như những nhà môi giới bất động sản, với vị trí đắc địa trên phố Điện Biên Phủ, giá thuê không dưới1 triệu đồng/m2.

Khu nhà đất số 57 Trần Phú (quận Ba Đình) cũng ở tình trạng tương tự, với hơn 600m2 diện tích nhà và hơn 1.000m2 đất, nhưng Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên chỉ phải trả chưa đến 100 triệu đồng/tháng. Đáng lo ngại hơn, khi hiện nay số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng của thành phố Hà Nội đã lên đến 1.200 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm, nhưng không rõ trách nhiệm, không rõ lộ trình giải pháp.

Hoạt động không hiệu quả

Một trong những đơn vị tốn nhiều giấy mực nhất trong việc quản lý, sử dụng đất công sản là Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Đơn vị này được thành phố cho thuê lại 3 điểm và 2 cơ sở nhà đất, đều nằm ở vị trí mặt đường các tuyến phố lớn như: 88 Lò Đúc; 221 Khâm Thiên; 45 Hàng Bài… Mặc dù có giá trị kinh tế cao nhưng do công ty hoạt động không hiệu quả dẫn đến nợ thành phố hơn 70 tỷ đồng tiền thuê nhà, đất.

“Đất vàng” nhưng không đẻ ra vàng -0
Rạp Dân Chủ hiện đang cho công ty Điện máy xanh thuê lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm đi thực tế, rạp Me Linh Cinema (88 Lò Đúc) đang trong tình trạng không ai thuê. Trong vai một người có nhu cầu thuê trụ sở, phóng viên bước vào cửa thì một trong số 4 người đàn ông đang ngồi “tám chuyện” lên tiếng: “Đến thuê trụ sở à? Em là người đi thuê hay là môi giới? Giá thuê là 250 triệu/tháng, phòng cháy chữa cháy đã đủ rồi”. Vừa nói dứt lời, một người khác chạy ra nói riêng với phóng viên: “Muốn thuê thì để sau, giờ không cho thuê nữa đâu, vì sắp tới họ thanh tra rồi”.

Trong tình trạng tương tự, rạp Dân Chủ (221 Khâm Thiên) đã dừng hoạt động chiếu phim từ năm 2013. Hiện tại địa điểm này đang được Công ty Điện máy xanh thuê lại.

Đặc biệt rạp Tháng 8 (số 45 Hàng Bài) cũng là trụ sở  của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp phòng chiếu nhưng rạp này vẫn hoạt động vô cùng bết bát. Theo quan sát của phóng viên, phía bên trong của rạp Tháng 8 đã được công ty này tách một phòng nhỏ cho Công ty Cổ phần Hải Hoàng Anh thuê lại. Đặc biệt, công ty này đã dành một phòng chiếu không dùng đến cho thuê mở quán bar.

Trước tình trạng bất cập của Công ty TNHH MTV Điện Ảnh Hà Nội, TP. Hà Nội đã có buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP. Hà Nội”. Đoàn giám sát do Phó chủ tịch HĐND Phạm Quý Tiên làm Trưởng đoàn đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, vi phạm của công ty này.

“Đất vàng” nhưng không đẻ ra vàng -0
Rạp 437 Bạch Mai thành cửa hàng Lotteria.

Ông Mai Xuân Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội báo cáo với đoàn giám sát, Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội được thành lập từ năm 1959, trước đây là quốc doanh chiếu bóng… sau đó là Công ty Điện ảnh Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Năm 2008, Thành phố có Quyết định số 2567/QĐ-UBND chuyển Công ty Điện ảnh Hà Nội thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, có trụ sở làm việc chính tại số 45 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Qua thực tế khảo sát và làm việc với lãnh đạo Công ty, Đoàn giám sát nhận định, các tài sản công là nhà, đất công ty được giao quản lý sử dụng nằm ở vị trí mặt đường lớn, phố chính trong các quận, có giá trị kinh tế rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Hiện nay, tình hình tài chính của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, phải nợ tiền thuê nhà, đất hơn 70 tỷ đồng.

Trong khi đó hợp đồng thuê nhà, đất ký giữa Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội và Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà đã hết thời hạn thuê trên 6 năm nay. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đang quản lý, khai thác và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đáng chú ý, tại 2 cơ sở nhà, đất tại số 88 Lò Đúc và số 437 Bạch Mai, Công ty được UBND Thành phố cho thuê đất để xây dựng công trình, sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa cho thấy đều sử dụng không đúng mục đích và chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

“Đất vàng” nhưng không đẻ ra vàng -0
Tại thời điểm phóng viên đi thực tế, rạp Me linh Cinema đang bỏ không.

Đoàn giám sát cũng cho biết, đối với việc liên doanh, hợp tác, cho thuê và kinh doanh dịch vụ tại các tài sản công là nhà, đất được giao quản lý, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng tài sản công; chưa có căn cứ xác định giá cho thuê đối với các tài sản công được giao quản lý. Đến nay, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội vẫn chưa hoàn thành thực hiện cổ phần hóa và sắp xếp doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND thành phố. Công tác quản lý hồ sơ địa chính tại công ty chưa chặt chẽ dẫn tới một số diện tích bị chiếm dụng và người dân sinh sống trong các khu đất, trụ sở thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, nhưng hiện nay không có hồ sơ giấy tờ hợp pháp.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top