Giấy đi đường đẩy doanh nghiệp vào thế bị động

[ad_1]

Nhiều doanh nghiệp lo lắng không biết xin kịp giấy đi đường cho nhân viên để duy trì sản xuất kinh doanh hay không, một số còn tính “ngủ đông” trong lúc chờ được duyệt.

Hà Nội áp dụng chống dịch theo 3 phân vùng từ 6/9 đến 21/9, siết chặt giãn cách xã hội tại “vùng đỏ” (vùng 1). Để có thêm thời gian cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng trong xin, cấp giấy đi đường, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra giấy đi đường mới từ ngày 8/9.

Việc có thêm hai ngày để làm các thủ tục, theo các doanh nghiệp, không đủ xoa dịu những khó khăn họ gặp phải.

Đại diện một doanh nghiệp thực phẩm tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cho biết đã nộp và bổ sung đủ giấy tờ theo yêu cầu nhưng hai ngày trôi qua vẫn chưa nhận được giấy phép đi đường mẫu mới.

Chị cho biết, cứ làm xong giấy tờ để nộp, lại có thông báo tiếp tục thay đổi nên mãi chưa xong, doanh nghiệp đang ở thế rất bị động. Ban đầu, cơ quan quản lý yêu cầu gửi thông tin qua email để xác nhận, nhưng hiện lại yêu cầu nộp bản cứng.

“Cảnh sát khu vực đang yêu cầu công ty nộp rất nhiều giấy tờ để cấp giấy phép đi đường gồm bảng lương, hợp đồng lao động, chứng minh nhân dân bản photo bảo hiểm xã hội, phương án chống dịch, phân công lịch làm việc, danh sách nhân viên xin cấp giấy đi đường, đơn đề nghị cấp giấy đi đường, giấy phép đăng ký kinh doanh…”, đại diện doanh nghiệp này nói. Nhưng phương án cụ thể, theo vị này biết, vẫn chưa được chốt.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch trên đường Hồ Tùng Mậu làm việc không ngơi tay. Người dân được đo thân nhiệt trước khi kiểm tra giấy đi đường. Ảnh: Ngọc Thành

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch trên đường Hồ Tùng Mậu làm việc không ngơi tay. Người dân được đo thân nhiệt trước khi kiểm tra giấy đi đường. Ảnh: Ngọc Thành

Công ty này có gần 80 lao động và được phép xin giấy cho 12 người. Trong đó, phải chia làm 2 danh sách, một là những người chỉ trực tại công ty do cảnh sát khu vực cấp, hai là nhóm hay di chuyển như shipper phải nộp cho cảnh sát giao thông cấp. Tuy nhiên, công ty cũng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về thủ tục nộp danh sách cho cảnh sát giao thông.

Tương tự, anh Hiếu – chủ một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, cung ứng cho một số siêu thị ở Hà Nội cho biết, phải xin cấp giấy đi đường ở 2 nơi khác nhau. Khối sản xuất, văn phòng xin xác nhận từ cảnh sát khu vực (thuộc công an phường nơi doanh nghiệp trú đóng). Khối vận chuyển hàng hoá phải gửi danh sách, hồ sơ bằng email tới Sở Công Thương Hà Nội, sau đó đơn vị này chuyển cho Sở Giao thông Vận tải kiểm duyệt. Hồ sơ được chấp thuận thì Sở Giao thông sẽ gửi tới phòng cảnh sát giao thông (thuộc Công an thành phố) để làm thủ tục cấp duyệt.

Tới trưa 6/9, anh Hiếu cho biết đã nhận được thông tin hồ sơ xin cấp giấy đi đường cho khối vận chuyển hàng hoá được Sở Công Thương chấp thuận, và Sở đã chuyển hồ sơ sang Sở Giao thông Vận tải. Nhưng hiện anh chưa nhận được phản hồi từ Sở Giao thông.

Còn giấy đi đường cho khối sản xuất tại chỗ, anh cho biết, khi liên hệ với cảnh sát khu vực thì được hướng dẫn bổ sung thêm rất nhiều loại giấy tờ, gồm: giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; hợp đồng thuê nhà; kế hoạch phòng chống dịch; bản cam kết của công ty với chính quyền địa phương về phòng chống dịch, quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch của doanh nghiệp; bản cam kết của các đơn vị cung ứng nguyên vật liệu cho doanh nghiệp; bản cam kết của người lao động với chủ doanh nghiệp; phương án phòng cháy chữa cháy với kho hàng, bản tự chấm phòng chống dịch của doanh nghiệp…

Với khối lượng lớn giấy tờ, thủ tục, anh Hiếu nói “rất khó để doanh nghiệp được cấp giấy đi đường cho nhân viên”.

“Quy trình quá nhiều tầng, nấc, lại không có thời gian cụ thể trả lời từ cơ quan quản lý nên không biết kịp nhận giấy đi đường cho nhân viên để duy trì sản xuất hay không”, anh ngậm ngùi.

Theo vị này, việc siết chặt cấp giấy đi đường tránh tình trạng “cấp khống” là cần thiết, nhưng quy trình, thủ tục hành chính “mỗi nơi hướng dẫn một kiểu, mỗi lúc yêu cầu bổ sung một loại giấy tờ, doanh nghiệp không biết xoay trở thế nào”.

Cũng phải bổ sung nhiều loại giấy tờ cho cơ quan quản lý để xin cấp giấy đi đường mẫu mới, nhưng theo chị Hoa – đại diện một doanh nghiệp phân phối lương thực tại quận Đống Đa, bất cập ở chỗ doanh nghiệp gửi hồ sơ đi và không rõ có đạt hay không.

Chị cho biết, hồ sơ xin cấp giấy đi đường cho nhân viên vận chuyển của công ty được gửi tới Sở Công Thương cách đây một ngày, nhưng doanh nghiệp không nhận được thông tin phản hồi qua email hay tin nhắn từ Sở. “Chúng tôi lo không biết hồ sơ có hợp lệ không, cần bổ sung những gì. Khâu phản hồi thông tin hiện rất bất cập”, chị nói.

Thêm nữa, khâu trả giấy đi đường bằng bản cứng thì doanh nghiệp băn khoăn, không biết nhận bằng cách nào. Nếu cơ quan chức năng gửi giấy đi đường được cấp qua bưu điện thì phải vài ngày mới đến. Còn doanh nghiệp nhận trực tiếp thì giấy đi đường cũ hết hạn, sẽ bị phạt.

“Theo quy trình này chưa chắc doanh nghiệp được cấp giấy đi đường kịp vào ngày mai (7/9), để nhân viên có giấy mới đi lại vào ngày 8/9. Chúng tôi đã lên phương án thông báo tới nhân viên tạm nghỉ chờ tới khi có giấy đi đường mới”, chị chia sẻ.

Những giấy đi đường đầu tiên chủ yếu cấp cho các trường hợp thuộc ngành Công Thương quản lý. Ảnh: Võ Hải

Những giấy đi đường đầu tiên chủ yếu cấp cho các trường hợp thuộc ngành Công Thương quản lý. Ảnh: Võ Hải

Đây không phải lần đầu Hà Nội thay đổi giấy đi đường, nhưng lần thay đổi nào cũng khiến người dân, doanh nghiệp mất thời gian, chi phí đi lại, trong khi chính quyền tốn nguồn lực, mất công không kém.

Theo Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy đi đường, đơn vị này đã, đang chủ động hướng dẫn gửi đăng ký về để làm giấy đi đường theo quy định mới.

Tới sáng 6/9, Phòng cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) đã cấp hơn 20.000 giấy đi đường. Nhóm chủ yếu được cấp là các doanh nghiệp đăng ký với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, hoạt động công ích, vận chuyển hàng hoá thiết yếu… Công an Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng đúng chỉ đạo của thành phố về cấp giấy đi đường cho các đối tượng.

Đơn vị này đang tăng cường nhân lực, ăn nghỉ tại chỗ, làm việc 24/24; tăng cường trang thiết bị hiện đại nhất; cố gắng rút ngắn quy trình duyệt cấp mã QR code trong từ 3-5 phút và có thể đặt mục tiêu rút ngắn hơn nữa.

Anh Minh – Anh Tú

[ad_2]

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top