Gọi 2.700 cuộc cho cảnh sát vì quá cô đơn

Nhật BảnKhi bị bắt vì làm phiền cảnh sát với hàng nghìn cuộc gọi trong gần ba năm, bà Hatagami cho biết làm vậy chỉ vì quá cô đơn.

Sở cảnh sát Matsudo Higashi, tỉnh Chiba bắt giữ Hiroko Hatagami, một người thất nghiệp 51 tuổi, ở Matsudo, vì nghi ngờ cản trở hoạt động của sở cứu hỏa địa phương, hôm 13/7.

Bà bị cáo buộc thực hiện 2.761 cuộc gọi khẩn cấp không cần thiết trong khoảng thời gian khoảng 2 năm 9 tháng.

Hatagami liên tục gọi điện khẩn cấp từ nhà, bằng điện thoại của hàng xóm và nhiều cách thức khác phàn nàn “Tôi bị đau bụng”, ”Tôi uống quá nhiều thuốc”, ”Chân tôi bị đau” và hàng loạt lý do khác, dù không thực sự ốm. Bà còn yêu cầu Sở cứu hỏa Matsudo điều động xe cứu thương một cách không cần thiết trong khoảng thời gian từ 15/8/2020 đến 25/5/2023.

Khi xe cứu thương đến, bà sẽ từ chối ngồi lên và nói không muốn đi xe cấp cứu hoặc không gọi xe.

Sở cứu hỏa và đồn cảnh sát đã nhiều lần cảnh báo bà ngừng gọi điện khi không cần thiết, nhưng người phụ nữ vẫn tiếp tục làm như vậy. Hôm 20/6, Sở phải báo cáo về trường hợp này cho cảnh sát.





Ảnh minh họa: Shiho Fukada

Ảnh minh họa: Shiho Fukada

Bà Hiroko Hatagami thừa nhận các cáo buộc. Khi được hỏi lý do, bà nói ”Tôi rất cô đơn và muốn ai đó lắng nghe, quan tâm tôi”.

Nhật là quốc gia có dân số già nhất thế giới. Đến năm 2060, ước tính 40% dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 60 trở lên. Nếu điều đó thật sự xảy ra, những chiếc bánh sinh nhật với 118 cây nến sẽ không còn hiếm, nhưng đám con cháu tụ tập để thổi nến bên các cụ thì chẳng còn mấy.

Lương hưu không đủ sống và cảm giác cô đơn đẩy nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản vào con đường phạm tội nhiều lần.

Theo báo cáo của chính quyền, trộm cắp là vi phạm thường xuất hiện của người cao tuổi Nhật Bản. Họ thường ăn cắp ít hơn 3.000 yên (khoảng 635 nghìn đồng). Nhưng ở Nhật, hành vi này phải đối mặt với mức tù khoảng 2 năm hoặc đền bù gấp 100 lần.

Năm 2019, Newman, một nhà nhân khẩu học người Australia làm việc ở Tokyo cho biết, chính phủ Nhật Bản đã mở rộng không gian của nhà tù và tuyển thêm nhiều nữ cai ngục để đối phó với sự gia tăng tội phạm tuổi già, đặc biệt là sự gia tăng các nữ tù nhân cao tuổi. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh về chi phí y tế trong các nhà tù.

Cùng với Nhật Bản, Italy là quốc gia có dân số già thứ hai trên thế giới, với 23% dân số trên 65 tuổi. Năm 2021, bà lão 94 tuổi ở Lecco gọi điện cho cảnh sát báo nhà mình có trộm, nhưng khi họ đến nơi, bà thú thực chỉ muốn có người đến nhà cùng trò chuyện.

Nhật Minh (Theo Mainichi)


Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top