Nỗi hận của ông sếp ngoại tình bị vợ ‘nắm thóp’

Trung QuốcBị vợ nắm bằng chứng ngoại tình, Phó tỉnh trưởng Lữ Đức Bân chịu đựng bị đánh chửi, làm nhục trong thời gian dài, trước khi ‘rửa hận’ vào năm 2005.

Lữ Đức Bân sinh năm 1953 trong gia đình nghèo khó ở huyện Yên Lăng, tỉnh Hà Nam, nhờ chịu khó học đã tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Nông nghiệp Hà Nam năm 1982, giành được cơ hội du học ở Mỹ.

Năm 1988, Bân nhận bằng tiến sĩ, về làm việc tại trường cũ và trở thành chuyên gia hàng đầu về nhân giống lúa mì ở tỉnh Hà Nam, đồng thời là cố vấn cho nhóm chuyên gia của Bộ Nông nghiệp. Với thành tích xuất sắc, Bân được thăng chức Phó hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nam năm 1996.

Trong khi sự nghiệp “xuôi chèo mát mái”, cuộc sống hôn nhân của Bân lại không được như ý, bắt nguồn từ mâu thuẫn trong việc phụng dưỡng bố mẹ.

Bân đưa bố mẹ và em gái đến thành phố Trịnh Châu sống cùng để chăm sóc, đồng thời yêu cầu vợ phải “tận hiếu” như mình. Tuy nhiên, việc vừa đi làm vừa nuôi dạy con khiến vợ Bân mệt mỏi, lại bị gia đình chồng làm đảo lộn cuộc sống, cô dần bất mãn.

Trước mặt đồng nghiệp, Bân thường kể vợ đối xử tệ bạc với nhà chồng. Tháng 11/1997, hai người thỏa thuận ly hôn, con gái do mẹ nuôi dưỡng.

Sau đổ vỡ, Bân cho rằng sở dĩ vợ cũ không đối tốt với nhà chồng chủ yếu do cô là phụ nữ trí thức ở thành phố, xinh đẹp và có sự nghiệp riêng, có thể làm vợ hiền nhưng không muốn làm dâu thảo. Bân tính tìm vợ mới là một phụ nữ nông thôn có trình độ học vấn thấp hơn.

Sau khi mẹ qua đời, năm 1998, Bân quyết định về quê tìm vợ với ba tiêu chí: trình độ học vấn thấp, ngoại hình xấu, phải sẵn lòng chăm sóc bố chồng. Tháng 8/1998, ông ta được họ hàng giới thiệu cho Trần Tuấn Hồng, kém 14 tuổi, chưa học hết cấp hai và ở nhà làm nông.

Hồng, 32 tuổi, đến nhà Bân làm giúp việc. Sau hơn một năm tận tâm chăm sóc người cha bệnh nặng của Bân, Hồng chính thức trở thành vợ thứ hai. Cuối 2000, Hồng sinh con trai nên càng được chồng yêu chiều.

Hơn một năm sau, Bân được thăng chức phó tỉnh trưởng Hà Nam. Gia đình ông ta chuyển đến ngôi nhà dành cho cán bộ cấp tỉnh rộng hơn 200 m2, có người giúp việc và tài xế đưa đón. Đầu 2003, Bân giúp vợ trở thành nhân viên công chức của Đại học Nông nghiệp Hà Nam.

Sau khi đổi đời, Hồng cũng thay tính đổi nết, thích sai bảo cấp dưới của chồng và chửi bới người làm trong nhà, thái độ ngày càng hống hách. Bân nhiều lần khuyên bảo không thành. Trong lúc chán vợ, ông ta lén ngoại tình với em gái một quan chức ngành lâm nghiệp.

Tháng 2/2003, phát hiện chồng không chung thủy qua tin nhắn thân mật, Hồng chất vấn, liên tiếp bạt tai Bân bất chấp ông ta quỳ xin lỗi. Tháng 4/2004, một người bạn đến chơi đã chứng kiến Hồng cầm dao đuổi theo muốn đâm chồng. Bân sợ hãi bỏ chạy.

Tức giận chồng phản bội, nhưng Hồng cũng lo bị bỏ rơi vì không muốn mất đi mọi thứ. Cô ta đòi kiểm soát hoạt động và thu nhập của Bân, nếu không sẽ công khai bê bối ngoại tình, khiến Bân thân bại danh liệt.

Tháng 8/2004, Hồng bám theo chồng đi công tác, bắt quả tang Bân hẹn hò trong khách sạn. Kể từ đó, Hồng nhiều lần báo cáo hành vi sai trái của Bân với lãnh đạo tỉnh, mối quan hệ vợ chồng hoàn toàn rạn nứt.

Bân đệ đơn ly hôn, đồng ý trả cho Hồng một khoản bồi thường đáng kể. Ban đầu Hồng chấp nhận nhưng sau lại đổi ý. Cô ta nói quyết không ly dị, đe dọa tố cáo Bân nhận hối lộ khiến ông ta không dám nhắc đến chuyện ly hôn nữa.

Bị Hồng nắm thóp, Bân phải chịu sỉ nhục, bị vợ đánh chửi, bắt quỳ xin tha. Qua những lời kể khổ của Bân với tài xế và đồng nghiệp, cả cơ quan đều biết chuyện ông ta bị vợ bạo hành.





Lữ Đức Bân khi còn giữ chức vụ. Ảnh: Sohu

Lữ Đức Bân khi còn giữ chức vụ. Ảnh: Sohu

Tháng 10/2004, khi đi ăn tối cùng Thượng Ngọc Hòa, phó thị trưởng thành phố Tân Hương, Bân tâm sự chuyện nhà và nói một cách hằn học: “Nếu phải sống quãng đời còn lại với người đàn bà hung tàn như vậy, tôi thà tìm vài tên côn đồ đánh cô ta tàn phế, nuôi không cô ta cả đời”.

Hòa 43 tuổi, từng giữ chức phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam trước khi trở thành cấp dưới thân thiết của Bân. Anh ta đề nghị giúp Bân tìm người thực hiện ý đồ.

Từ tháng 10 đến tháng 11/2004, Bân và Hòa nhiều lần bàn chuyện giết Hồng qua điện thoại hoặc trong văn phòng. Cuối 2004, Hòa tìm Trương Tùng Tuyết ở cùng quê, hứa cho nhiều tiền để gây án.

Sau khi nhận “nhiệm vụ”, vào dịp Tết Nguyên đán 2005, Tuyết cùng Hòa đến nhà Bân ba lần để nhận dạng Hồng. Để an toàn, từ đầu đến cuối, Bân chưa bao giờ liên hệ trực tiếp với Tuyết. Thời gian này, Hòa tài trợ tiền cho Tuyết mua hai khẩu súng lục.

Tháng 4/2005, Bân lén gửi quà mừng cưới trị giá 2.000 nhân dân tệ cho cháu, bị Hồng phát hiện. Trong lúc cãi vã, Hồng dùng dao gọt hoa quả đâm vào eo và hạ bộ của chồng. Sợ Bân tìm người trả thù, cô ta đe dọa đã lập danh sách các khoản hối lộ, chỉ chờ gửi đi.

Sau lần này, Bân càng quyết tâm loại bỏ Hồng. Trong vài ngày, ông ta nhiều lần gọi cho Hòa, yêu cầu nhanh chóng hành động. Hòa bày kế mượn cớ lừa Hồng ra ngoài để sát hại.

Sáng 3/6/2005, Tuyết mua ba sim điện thoại di động mới, chuyên để liên lạc khi gây án. Anh ta lái xe từ Nam Dương đến Trịnh Châu cùng đồng phạm là Từ Tiểu Đồng, chờ cơ hội phạm tội.

Ngày 7/6, Hòa gọi điện cho Hồng, nói có người sẵn sàng trả 150.000 nhân dân tệ mua ôtô cho cô ta, anh ta đã báo cáo và được Bân đồng ý. Mới có bằng lái, Hồng đang mơ ước có xe riêng nên lập tức hẹn ngày mai đi xem.

Sáng 8/6, Hòa đưa 150.000 nhân dân tệ tiền mặt cho Tuyết. Số tiền này vừa để lừa gạt lòng tin của Hồng, vừa là tiền thù lao cho Tuyết và Đồng.

Khoảng 10h, Tuyết liên lạc với Hồng, dụ đi xem xe. Túi xách chứa 150.000 nhân dân tệ đặt trong xe, không kéo khóa để cô ta nhìn thấy, yên tâm đi theo họ.

Đến nơi vắng vẻ, Đồng vốn ngồi cạnh Hồng bỗng nhào tới bóp cổ khiến cô ta bất tỉnh, sau đó cầm súng đập vào đầu nạn nhân đến chết. Tuyết lái ôtô đến một bãi đậu xe bỏ hoang, cả hai nhét thi thể vào cốp. Xong xuôi, Tuyết bắt xe buýt về Tân Hương, còn Đồng lái xe về quê phi tang thi thể bằng cách phân xác, cho vào bao tải ném xuống hồ chứa nước ở Nam Dương.

Sau khi gây án, để Bân có cớ trình báo cảnh sát, vào khoảng 14h cùng ngày, theo chỉ dẫn của Hòa, Tuyết dùng sim điện thoại mới gửi tin nhắn đến số điện thoại Bân thường dùng: “Vợ ông đang ở chỗ tôi, nếu ông muốn bà ta sống sót, nhanh chóng chuẩn bị 500.000 nhân dân tệ”, nhằm đánh lừa người khác rằng vợ Bân bị bắt cóc.

Nhận được tin nhắn, Bân bảo nhân viên báo cảnh sát. Vụ vợ phó tỉnh trưởng bị bắt cóc lập tức gây xôn xao, đội điều tra được yêu cầu phá án trong thời gian ngắn nhất.

Qua điều tra, cảnh sát nhanh chóng xác định nghi phạm là Tuyết. Ngày 10/6, họ theo dõi vợ Tuyết, bắt được anh ta đang lẩn trốn trong khách sạn. Cảnh sát phát hiện sau khi sát hại nạn nhân, Tuyết gọi điện cho phó thị trưởng thành phố Tân Hương là Hòa.

Hòa cũng bị phát hiện sử dụng số điện thoại thường dùng để gọi cho Hồng thay vì dùng sim mới, một ngày trước vụ “bắt cóc”. Theo Hòa, hôm đó do bận rộn nên anh ta sơ suất, quên không đổi sim.

Ngày 10/6, Hòa bị bắt. Trong quá trình thẩm vấn, anh ta thú nhận tham gia giết Hồng cùng Tuyết và Đồng, đồng thời tiết lộ kẻ chủ mưu đằng sau là Bân. Đồng cũng sa lưới vào 10/6.

Ngày 11/6, vừa trở về Trịnh Châu sau cuộc họp ở Bắc Kinh, Bân bị bắt.

Cảnh sát mất nhiều ngày trục vớt thi thể Hồng từ đáy hồ chứa nước. Trước những chứng cứ, Bân phải nhận tội xúi giục giết vợ.

Ngày 22/7/2005, vụ án được xét xử công khai. Trước tòa, Bân tỏ ra kích động, nói năng lộn xộn và nhiều lần rơi nước mắt. Dù nhận tội, ông ta lập luận rằng chỉ muốn tìm người đánh Hồng tàn phế, không nghĩ đến việc giết, Hòa và đồng phạm đã hiểu sai ý của ông ta.

Thẩm phán xác định hành vi của Bân và các đồng phạm đã cấu thành tội Cố ý giết người.

Sau phiên tòa, Tuyết chủ động tố cáo Hòa từng ra lệnh cho mình và Đồng tạo vụ nổ nhằm giết phó thị trưởng họ Phạm của thành phố Tân Hương để lên thay vị trí, tháng 5/2005. Kế hoạch bất thành vì thiết bị nổ bị hỏng khi va chạm với xe.

Ngày 30/9/2005, tòa kết án tử hình Bân và ba đồng phạm. Bốn người bị hành hình bằng cách tiêm thuốc độc vào ngày 17/10/2005.

Tuệ Anh (Theo Ifeng, Zhihu)


Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top