Quế Trân ghi dấu với vai cô đào chịu nỗi oan ngoại tình

Nghệ sĩ Quế Trân khiến khán giả xúc động với vai Cầm Thanh – cô đào vướng nỗi oan ngoại tình trong tuồng cải lương, tối 25/8.

Sau 25 năm kể từ lần ra mắt đầu tiên, vở Cô đào hát mới trở lại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, TP HCM. Tác phẩm lấy bối cảnh Sài Gòn những thập niên đầu của thế kỷ 20. Cầm Thanh là ngôi sao của đoàn cải lương, được nhiều người săn đón. Cô không đoái hoài đến ai, chỉ dành trọn tình yêu cho nghệ thuật. Trong những người thầm thương trộm nhớ, Liêm – thông ngôn cho quan chức Pháp (Võ Minh Lâm đóng) – là chàng trai si tình, luôn có mặt ở mọi suất diễn của cô.

Một ngày, Cầm Thanh lên xe hoa với Dũng (Kim Tử Long) – chủ tòa soạn báo Sài Gòn Mới. Liêm hụt hẫng hóa điên, phải vào bệnh viện tâm thần. Cô đào lén chồng vào nhà thương chăm sóc Liêm, từ đó vướng vào nỗi oan ngoại tình.

Quế Trân đóng vai cô đào Cầm Thanh của "Cô đào hát"

Quế Trân đóng phân cảnh cô đào Cầm Thanh tình nguyện đi gặp quan chức Pháp. Video: Mai Nhật

Trở lại tuồng chính kịch dài sau một năm kể từ vở Chuyện tình Khau Vai, Quế Trân ghi dấu với vai cô đào đa đoan.

Đầu tác phẩm, phân cảnh Cầm Thanh diễn trích đoạn Huyền Trân biệt Khắc Chung gợi không khí hào hùng, kịch tính. Nhân vật hiện lên như một nghệ sĩ tận hiến vì nghề. Khi gánh hát có nguy cơ tan rã trước sức ép của một quan chức Pháp, cô tình nguyện một mình đến gặp hắn để thương lượng, dù biết cạm bẫy đã giăng sẵn.

Cầm Thanh gửi gắm tư tưởng sống như nhân vật Huyền Trần – vai diễn để đời của cô qua câu thoại: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục” (Thà chịu chết chứ không chịu nhục). Biểu cảm cương trực, đanh thép của Quế Trân trong phân cảnh kịch tính lấy được nhiều tiếng vỗ tay của khán giả.

Sau phút tỏa sáng trên sân khấu, cô chất chứa nhiều tâm sự trong hậu trường cùng nỗi cô đơn. Trên đỉnh danh vọng, cô vẫn chạnh lòng khi bị gọi là “con đào, thằng kép, đồ cải lương”. Bi kịch của Cầm Thanh được tóm tắt qua bốn câu thơ của một nhân vật trong vở: “Khi bức màn buông, danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Nửa sau của vở, Quế Trân đi sâu vào nhiều phân đoạn nặng tâm lý, khắc họa mối quan hệ khó gọi tên cùng Liêm. Liêm yêu Cầm Thanh đến tôn thờ song cô chỉ coi anh như một người hâm mộ tri kỷ mà nghệ sĩ nào cũng khát khao được có. Day dứt trước mối chân tình của Liêm, cô vào bệnh viện chăm sóc anh, mong chàng trai lấy lại trí nhớ.

Phân đoạn cao trào là lúc câu chuyện của Cầm Thanh và Liêm bị phát hiện. Cầm Thanh hóa điên khi nhớ lại một biến cố sau thời gian dài chôn giấu. Quế Trân gây ấn tượng với lối diễn biến hóa. Cô đau đớn khi cái danh “người đàn bà đức hạnh” bị chồng chà đạp.

Phân đoạn cô đào Cầm Thanh hóa điên trong vở

Phân đoạn cô đào Cầm Thanh hóa điên trong vở. Video: Mai Nhật

Diễn xuất của Quế Trân lấy nước mắt nhiều khán giả ở đoạn kết. Khán giả Hữu Nghĩa (55 tuổi, quận Tân Bình) nhận xét thích biểu cảm tinh tế của Quế Trân. Ban đầu, anh bất ngờ khi Quế Trân nhận vai, do nhân vật đòi hỏi nội lực diễn xuất lớn, từng được diễn viên gạo cội Phương Hồng Thủy thể hiện thành công. “Càng về cuối vở, cô diễn nhập tâm hơn, nhất là những phân đoạn bày tỏ nỗi cô độc, tủi thân của một nghệ sĩ”, khán giả cho biết.

Võ Minh Lâm là điểm sáng tiếp theo khi đóng cặp với Quế Trân. Vai thông ngôn Liêm từng gắn với tên tuổi cố nghệ sĩ Vũ Linh. Qua lối diễn của Võ Minh Lâm, nhân vật tạo thiện cảm với nét chân chất, có phần ngây ngô của chàng trai trẻ. Si mê Cầm Thanh, anh yêu cả những khuyết điểm của cô, để ý khi cô nhầm thoại, hát rớt nhịp.

Âm nhạc góp phần khơi gợi cảm xúc cho người xem suốt hơn ba giờ, nhờ sự góp mặt của các tên tuổi hàng đầu trong làng cổ nhạc, như nghệ sĩ Văn Môn (guitar), Hải Phượng, nhạc sĩ Duy Kim (đờn tranh), Nhứt Dũng (bộ gõ), Thanh Long (đờn kìm), Trần Sơn (tiêu – sáo), Thanh Hoàng (đờn cò – gáo), Phú Quý (đờn bầu)

Quế Trân diễn cảnh Cầm Thanh chăm sóc cho chàng thông ngôn Liêm

Quế Trân diễn cảnh Cầm Thanh chăm sóc cho chàng thông ngôn Liêm. Video: Mai Nhật

Ông “bầu” Hoàng Song Việt cho biết dàn dựng lại tác phẩm vì tâm đắc chất văn học của kịch bản, đồng thời muốn giới thiệu một vở tâm lý – xã hội như màu sắc mới trong xu hướng diễn tuồng cổ gần đây. Êkíp phấn khởi khi hiệu ứng khán giả tích cực, vé được bán hết vài hôm trước công diễn. Đơn vị đặt mục tiêu đưa tác phẩm lưu diễn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Nghệ sĩ Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM – cho biết cơ quản quản lý sẽ hỗ trợ đưa vở diễn sáng đèn tại Nhà hát Thành phố.

Vở từng ra mắt năm 1998, gây tiếng vang với dàn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời: Vũ Linh, Phương Hồng Thủy, Linh Tâm, Ngân Tuấn. Kịch bản do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc phóng tác, dựa theo truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của Nguyễn Quang Sáng.

Quế Trân, 42 tuổi, là con Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tòng. Cô là hậu duệ đời thứ năm của đại gia đình tuồng cổ Bầu Thắng – Minh Tơ, theo nghiệp từ năm 8 tuổi (năm 1989) ở đoàn Đồng ấu Bạch Long. Cô thành công với nhiều vai: Phương Thảo (vở Nhảy múa với quỷ dữ), Nga (Khúc ly hương), Phượng (Con mắt thời gian), Công chúa Thiên Kiểu (Trắng hoa mai).

Mai Nhật


Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top