Thế khó của Vietnamobile – VnExpress Kinh doanh


Với lượng băng tần hạn chế, Vietnamobile không chỉ chật vật phát triển dịch vụ mới mà còn đối mặt tình trạng ồ ạt “chảy máu” thuê bao.

Riêng ba tuần tháng 2, Vietnamobile chia tay gần 33.000 thuê bao di động chuyển đi, trong khi ở chiều đến không ghi nhận thuê bao nào. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có hơn 1.500 thuê bao rời bỏ họ.

Sau hơn 12 năm có mặt trên thị trường, Vietnamobile vẫn miệt mài cung cấp các gói dữ liệu giá siêu rẻ, SIM số đẹp miễn cước… cũng như ra mắt thêm các dịch vụ mới trong cuộc đua cùng các nhà mạng lớn. Tuy nhiên đến nay, Vietnamobile mới chỉ nắm trong tay được hơn 3% thị phần viễn thông di dộng.

Doanh nghiệp cũng ngày càng hụt hơi, thậm chí “chảy máu” thuê bao từ khi có dịch vụ chuyển mạng giữ số.

Được hưởng giá thành rẻ nhưng hiện nay nhiều khách hàng của Vietnamobile vẫn phản ánh về trình trạng sóng yếu ở ngoài các khu vực thành phố lớn, ít đại lý, dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa tốt…

Vấn đề lớn nhất từ trước đến nay với Vietnamobile, cũng như các nhà mạng nhỏ khác là lượng băng tần hạn chế so với Mobifone, Vinaphone và Viettel. Theo Vietnamobile, việc này khiến doanh nghiệp khó cung cấp các trải nghiệm tốt nhất tới khách hàng. Năm 2019, Vietnamobile từng gửi kiến nghị đến 5 bộ, ngành Thủ tướng nêu việc bị đối xử không công bằng và đề xuất các chính sách quản lý thị trường viễn thông, phân bổ, đấu giá băng tần hợp lý hơn.

Một bộ hòa mạng giá rẻ của Vietnamobile từng rất hút khách trên thị trường. Ảnh: VNM

Một bộ hòa mạng giá rẻ của Vietnamobile từng rất hút khách trên thị trường. Ảnh: VNM.

Vietnamobile cũng thừa nhận việc các nhà mạng nhỏ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn là “rất khó khăn từ nguồn vốn cho đến nhân lực” trong một kiến nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cuối năm ngoái. Cả năm 2020, Vietnamobile ghi nhận doanh thu khoảng 1.940 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2019 và lãi gần 60 tỷ.

Đây mới là năm đầu tiên doanh nghiệp này hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra và mức này cũng quá nhỏ so với khoản lãi của Viettel (hơn 42.000 tỷ đồng), VNPT (7.100 tỷ đồng), Mobifone (4.600 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này phản ánh đúng quy mô thị phần viễn thông di động khi ba ông lớn trên nắm trên 90% thị phần.

Đến cuối năm ngoái, Vietnamobile tiếp tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thêm băng tần mới, sớm cấp phép cho thử nghiệm 4G/5G. Vietnamobile cũng muốn có chính sách riêng để ưu đãi hơn với các doanh nghiệp nhỏ như họ hay Gtel, I-Telecom, Mobicast.

Đồng thời nhà mạng này cũng xin không tham gia chuyển mạng giữ số với các thuê bao sim số đẹp. Thực tế, các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile nằm trong tầm ngắm của giới săn sim số đẹp từ khi có chính sách chuyển mạng giữ số. Sau khi đủ thời gian chờ, đủ điều kiện chuyển mạng, giới buôn sim sẽ làm thủ tục đổi mạng và bán với giá cao.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa chấp thuận các đề xuất của Vietnamobile. Về vấn đề chuyển mạng giữ số, Cục Viễn thông lý giải hiện chưa có quy định, tiêu chí xác định đâu là số đẹp nên các số được đối xử công bằng, doanh nghiệp nộp phí kho số cho mỗi số điện thoại như nhau. Cơ quan này cho rằng để giữ chân và hút thuê bao của nhà mạng khác, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ, vùng phủ, đa dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động, chú trọng chăm sóc khách hàng…

Còn về băng tần, Cục cho biết sẽ tiến hành đấu giá các băng tần, trong đó có băng tần 2500-2690 MHz sau khi chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Anh Tú

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top