Tiễn người thơ Đào Trọng Khánh: Hãy bơi đi (cùng) đàn cá mòi khô | Phong cách

Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 1Cố Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hôm trước, chị Hà Phạm (nhà báo Phạm Thanh Hà) nhắn lúc nửa khuya, chuyển tin của họa sĩ Lê Thiết Cương: ‘Vợ của Đào Trọng Khánh gọi: Anh Khánh gay rồi, đang thở máy. Ai rảnh thì xuống thăm nhé. Cương ốm không đi được Hà báo cho Thu giúp…”

Mấy anh chị em vội vã nhắn nhau, rồi vội vã “xuống Phòng” để kịp nắm tay bác, kịp nhìn bác thêm một lần. Chị Hà Phạm từng bảo, gặp bác Đào Trọng Khánh lúc nào cũng thấy thiếu thời gian. Muốn nghe ông kể thêm nhiều chuyện. 

Hôm đó thời gian là rất nhiều… nhưng chúng em không dám nán lại lâu, vì muốn để bác nghỉ. Vì, không muốn nhìn thấy cảnh đau lòng. Bác Khánh khi đó đã chẳng còn nhận ra ai, không giống như bác Khánh của chúng em, một kho tàng những câu chuyện mà bất cứ câu chuyện nào cũng hàm chứa thông điệp về nhân tình thế thái.

Cái người mà như chị Hà Phạm nhận xét: Rất hiếm người trên đời có khả năng làm sống động những đồ vật (cổ hoặc chỉ là cũ, cực kỳ giá trị hoặc rất tầm thường) mà ông đã lưu giữ, đã đánh mất, đã nâng niu, đã tặng bạn bè… giờ bất động trên giường bệnh. Nằm bó buộc giữa đám máy móc dây dợ rất không thơ, Người Thơ nằm đó, mắt khép hờ tựa hồ chẳng liên quan gì với thực tại, Người Thơ-như thường lệ, lãng phiêu trong cõi thơ của mình. 

Đêm hôm đó, Người Thơ đi…

Chị Hà Phạm viết lên dòng trạng thái, anh Khánh ơi, em chào anh! Lê Thiết (Cương) trích một câu thơ của bác: “Hãy bơi đi đàn cá mòi khô.” Tạm biệt 1 người “bạn”! 

Những dòng tiễn biệt bác dày kín trên các trang tin. Mỗi người một cách, mỗi người chọn một chút gì đó về Đào Trọng Khánh cho riêng mình, để nhớ. Và, em xin mạn phép cóp nhặt ở đây để cùng lưu lại về một Đào Trọng rất đặc biệt, đã đi ngang cõi đời này để lại biết bao thành tựu, sự tử tế và để lại cho bạn bè nỗi nhớ thương…

Hôm trước Lê Thiết Cương kể, năm 2017 – năm con gà, Cương đi Hải Phòng thăm Đào Trọng (Cương thường gọi bác Khánh như thế và xưng là Lê Thiết), được Đào Trọng tặng đĩa gốm con gà. Vốn là người hóm, chuyện rất duyên, từ con gà trong cái đĩa, lan man sang Quảng Trị, 1972, Cương dẫn lại lời bác Khánh: “81 ngày đêm ấy tôi có mặt, quay tài liệu, quá nhiều người chết và bị thương (ở cả 2 phía )… tôi quay được cảnh 1 con gà – thương binh, tức là nó tập tễnh vì chỉ còn 1 chân, chân còn lại cụt mất, ai đó đã buộc cho nó 1 cái que tre.” “Chiến tranh qua mắt của Khánh thật hay, độc đáo,” Cương kết luận. 

Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 2Chiếc đĩa gốm có hình con gà mà Đào Trọng (Khánh) tặng cho Lê Thiết (Cương) trong câu chuyện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với chị Phạm Hà thì Đào Trọng Khánh là người có trí nhớ kỳ lạ mà rất hiếm người có được, là người giữ một phần ký ức của thời đại. Cuối năm 2014, mấy anh chị em rủ nhau xuống gặp bác, cuộc gặp ấy được chị ghi lại thế này: “Hôm nay xuống Hải Phòng, gặp Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh để đưa nhuận bút, đặt bài Tết… Nói thế, thực ra là xuống để gặp, uống với bác Khánh một vài chén. Con người với cái đầu khổng lồ và trí nhớ mênh mang ấy, gặp lúc nào cũng vui, cũng học thêm được điều gì đó. Hôm nay bác Khánh thông báo: “Mình lạ lắm, huyết áp uống rượu cũng 200 mà uống thuốc cũng 200…”

Bác Khánh vừa nói về cây mía, các loại cây khác trồng bằng gốc, riêng cây mía trồng bằng ngọn… và bác bảo: “Cây mía là thứ cây có thân phận giống con người nhất.”

Phạm Hà cũng có cái nhìn độc đáo về hai cuốn sách được bác Khánh viết hồi dịch COVID-19 bùng phát và được họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện từ A-Z: “Sách của Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh là sách của một thời, là lịch sử, đúng hơn là lịch sử của cảm xúc một cá nhân. Cá nhân ấy đã tham dự vào lịch sử. Một kho tàng kiến thức, qua cách thể hiện của một thi sĩ-thỉnh-thoảng-có-làm-thơ.”

[Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh – thi sĩ với áng thơ tan vào mây trời]

Tất cả bạn bè quen thân, lớn bé đều đã từng được nghe bác Khánh đọc thơ, những câu thơ như Lê Thiết Cương là: Thơ lẻ bên bàn rượu.

“Thành phố ăn nằm với biển/Đẻ ra một lũ cần lao,” hay “Trái tim tôi như 1 cây đàn/Đêm đêm treo lên tường xử bắn” – Thơ đến thế, làm sao mà không phải Người Thơ cho được?

Thơ của Đào Trọng, dù là thơ lẻ – cũng giống như những câu chuyện, chi tiết mà bác kể… tất cả, bất cứ… qua nhãn quan của Đào Trọng cũng trở nên khác biệt, cũng chứa đựng một hàm nghĩa. Như câu thơ  trong bài “Buổi sớm” (1972) đề tặng Lưu Quang Vũ:“Cái vỉa hè như áo cài khuy/Hố phòng không sũng nước.”

Con người của Tam Bạc, Cầu Rào, của Chợ Sắt, Cát Cụt… ấy viết về quê hương với cái nhìn tinh tế mà độc đáo: “Hải Phòng như con tàu chở đầy thuốc nổ/Cuốn đi số phận mỗi con người.” 

Trong ký ức của em, bác Khánh béo với chiếc mũ cao bồi, nụ cười khoáng đạt, ánh mắt dí dỏm môi cong lên kiểu như làm thế để kéo giọng thấp xuống như nói thầm khi nhắc lại lời một vĩ nhân: “Ờ thì… cũng đâu đó, chút chút…”

Đó là buổi đầu tiên em gặp bác, trong một cuộc ‘rượu nhẹ’ mà không hề nhẹ. Câu chuyện của bác cuốn hút đến giây cuối, không muốn đứng lên về dẫu cuộc rượu đã tàn…

“Xưa tôi trôi như một cánh buồm/ Giờ tôi đã thành bến cũ/ Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ/ Nay cá đã phơi rồi – lưới rách lua tua/ Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô/ Ta sẽ thả các người xuống nước/ Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất/ Nơi đáy sâu im lặng đời đời?” – (Bến đò Tam Bạc – Tự ước một mình).

Có lẽ đó là những dòng thơ mà Người Thơ “tạm ứng” dành cho buổi biệt ly bạn bè hôm nay – một chiều Thu cuối xao xác heo may lùa vào dải nắng trải vàng những tán lá của thành phố biển. Người Thơ Đào Trọng Khánh đã “bơi đi (cùng) đàn cá mòi khô” vào “Nơi đáy sâu im lặng đời đời.”

Nâng chén và cạn một ly thật đầy, không phải kiểu “đâu đó, chút chút” đâu nhé, em chào bác, Thu Không chào bác, bác Khánh béo. Chúng em sẽ rất nhớ bác, Người Thơ! 

Những bức ảnh của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh với bạn bè:  

Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 3Giờ này chắc Người Thơ Đào Trọng Khánh đã hàn huyên hội ngộ cùng người bạn vong niên họa sĩ Trịnh Tú, hai người đó, sẽ thoải mái túy lúy mà không cần phải ‘uống khẽ” như bấy lâu nay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 4Cố đạo diễn – Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh và họa sĩ Lê Thiết Cương tại Hải Phòng, năm 2017. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 5Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (Kha Voi) và cố đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 6Từ trái sang: Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, cố họa sĩ Trịnh Tú, cố đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, họa sĩ Lê Thiết Cương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 7Tác phẩm “Chọn” – 1 trong 13 bức tranh khổ 1/3 của “Triển lãm 13” khai mạc ngày 13/1/2013 của họa sĩ Lê Thiết Cương với câu thơ đề của cố đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh: “Thành phố như con tàu trở toàn thuốc nổ/ Kéo đi số phận mỗi con người.” (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tien nguoi tho Dao Trong Khanh: Hay boi di (cung) dan ca moi kho hinh anh 8Buổi ra mắt sách “Đất và Người của cố đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh ngày 10/6/2022 do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn tổ chức trang trọng thân thiết và ấm áp tình người tình đồng nghiệp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thu Không (Vietnam+)

Source link

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top