Troy Kotsur – từ ông bố khiếm thính đến nghệ sĩ đoạt Oscar

Giống người cha trong “CODA” – phim hay nhất Oscar 2022, ngoài đời, Troy Kotsur bị điếc, hết lòng ủng hộ đam mê âm nhạc của con gái.

Trong lễ trao giải Oscar 2022 vào cuối tháng 3, Troy Kotsur để lại dấu ấn là nam nghệ sĩ khiếm thính đầu tiên đoạt diễn viên phụ xuất sắc. Trong bài phỏng vấn với Variety một ngày sau khi được vinh danh ở Oscar, Kotsur cho biết: “Nếu không được chọn đóng CODA, tôi sẽ làm việc tại một nhà hàng thức ăn nhanh hoặc là nhân viên đóng gói tạp hóa”. Thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Justin Maurer đã giúp anh chuyển ngữ câu trả lời.

Troy Kotsur: Nam diễn viên đại diện cho cộng đồng người khiếm thính

Bài phát biểu của Troy Kotsur tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 94. Video: ABC

Troy Kotsur từng trải qua tuổi thơ nhiều bi kịch. Là con trai của cảnh sát trưởng Leonard Len Kotsur ở thành phố Mesa, tiểu bang Arizona, Troy bị điếc khi chưa tròn một tuổi. Anh kể với tờ Variety: “Khi tôi khoảng 10 tháng tuổi, mẹ tôi đang dọn dẹp nhà cửa, bà vô tình làm rơi một số xoong nồi, tạo ra âm thanh lạch cạch rất lớn. Lúc đó, tôi đang chơi ngồi chơi trên sàn nhà và tôi không phản ứng gì cả. Bà nghi ngờ có điều gì đó không ổn. Tôi đã ở trên sàn, và tôi không phản ứng gì cả. Tôi chỉ tiếp tục chơi. Mẹ tôi nghi ngờ điều gì đó. Bà đi sau tôi và đập những chiếc nồi vào nhau, nhưng tôi không nghe thấy gì cả. Bố mẹ đưa tôi đến bác sĩ và họ kết luận tôi bị điếc. Gia đình tôi trăn trở. “Chúng ta sẽ phải nuôi dạy một đứa trẻ khiếm thính thế nào đây?” Lúc ấy là những năm 1960, bố mẹ tôi không biết phải làm gì với một đứa trẻ khiếm thính.”

Bố mẹ Troy cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với con trai. Họ khuyến khích anh tham gia chơi thể thao cùng những đứa trẻ hàng xóm. Có lần, người cha nói với Troy ngôn ngữ ký hiệu thực sự là một ngôn ngữ đẹp, đó là một món quà mà thế giới cần được biết đến.

Nghệ sĩ từng nói: “Tôi thấy xúc động khi bố nói với tôi về vẻ đẹp của ngôn ngữ ký hiệu, thứ mà một gia đình bình thường đã dành thời gian dạy cho tôi từng chữ một. Tôi cảm thấy thật may mắn khi trở thành một phần trong gia đình biết lắng nghe và thấu hiểu.”.

Tưởng hạnh phúc sẽ kéo dài trong gia đình Kotsur nhưng những biến cố lớn ập đến. Brent Kotsur, em trai của anh, suýt chết đuối ở tuổi lên bốn trong một lần đi bơi, gây tổn thương não dẫn tới việc phải cần người hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày suốt 21 năm. Vào năm 1987, bố của Troy, bị một người lái xe say rượu đâm phải, khiến ông liệt từ cổ trở xuống. Ông là một người hài hước với cách nói chuyện lôi cuốn người khác, nhưng từ đó trở đi bố Troy không thể ra ký hiệu được nữa.

Khi thấy bố đột nhiên phải ngồi xe lăn, Troy bật khóc, nhận ra bản thân phải cố gắng sống để chăm sóc bố. “Tôi phải nhờ mẹ hoặc anh em thông dịch cho mình. Ông cố gắng sử dụng bút chì hoặc gõ phím trên máy tính nhưng rất khó khăn. Tôi phải đợi vài phút để chờ xem bố muốn nói gì. Đó là một thách thức trong giao tiếp của chúng tôi nhưng ngược lại, ông rất kiên nhẫn”.

Theo kênh ABC15 Arizona, giữa tháng ngày chuyện buồn bủa vây gia đình, một trong những niềm vui của Troy là được xem bộ phim hoạt hình Tom and Jerry. Hai nhân vật chính của tác phẩm hiếm khi có những cảnh đối thoại, bù lại là những cảnh mèo và chuột đuổi nhau. Sự hài hước, sinh động của Tom và Jerry đã truyền cảm hứng cho Troy nuôi dưỡng ước mơ trở thành diễn viên. Mỗi lần xem phim xong, cậu bé lại dùng ngôn ngữ ký hiệu để kể lại tập phim cho bạn bè, và thích thú khi thấy mắt của các bạn sáng lên vì hào hứng.

Gia đình nhỏ của Troy Kotsur. Từ trái qua: Kyra Kotsur (con gái Troy), Troy, Deanne Bray. Ảnh: Instagram Troy Kotsur

Gia đình nhỏ của Troy Kotsur trong một buổi chơi golf. Từ trái qua: Deanne Bray (vợ), Troy Kotsur, Kyra Kotsur (con gái). Ảnh: Twitter Troy Kotsur

Khi có con gái Kyra, Troy và vợ – nữ diễn viên Deanne Bray, cũng là người khiếm thính – dành trọn tình yêu cho con.

Kyra nói về bố: “Bố cố gắng hình dung ra âm điệu tôi đang nghe, ông sẽ biết nó buồn hay vui, nhanh hay chậm. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ về điều. Bố mẹ tôi thực sự không thể hiểu những thứ mà tôi theo đuổi, bởi lẽ chúng rất khác biệt so với họ, nhưng họ chưa bao giờ cản trở tôi”.

Anh chia sẻ: “Tôi thực sự thích thú khi con gái mình say mê như vậy. Có rất nhiều điều mà Kyra cần học hỏi để biến đam mê thành sự nghiệp của bản thân, thậm chí phải bất chấp mọi thử thách”.

Trong suốt hơn 30 năm kiên trì theo đuổi hoạt động diễn xuất của mình, chỉ đến khi thủ vai Frank Rossi – một ông bố khiếm thính luôn ủng hộ niềm đam mê ca hát của Ruby (Emilia Jones) – trong bộ phim CODA, Troy mới được khán giả chú ý tới. Ngoài đời, Kyra, con gái của Troy cũng rất đam mê âm nhạc, cô chơi piano và guitar. Khi cô phát một bài hát trong ô tô hay đệm một giai điệu guitar, bố mẹ cô sẽ đặt tay lại gần chiếc loa hoặc nhạc cụ cô chơi để cảm nhận được độ rung của chúng.

Troy không xem việc bị điếc là khiếm khuyết cản trở anh đến với thành công trong sự nghiệp diễn xuất.

“Tôi không thể phàn nàn vì mình là người khiếm thính. Khiếm thính cũng chẳng là gì. Tôi có thể chơi golf, ra khỏi nhà, có thể đi câu cá. Bố tôi không làm được những điều đó, em trai tôi cũng không thể. Tôi không quan tâm đến việc mình bị điếc”, Troy nói với kênh truyền hình ABC15 Arizona. Thường xuyên cố gắng giao tiếp với thế giới thính giác qua các vở kịch và phim truyền hình đã giúp Troy rèn luyện khả năng thể hiện nhiều biểu cảm trên khuôn mặt.

Phần lớn sự nghiệp của anh dành cho sân khấu. Anh học diễn xuất tại Đại học Gallaudet, sau đó xuất hiện trong các vở kịch của Nhà hát Người khiếm thính Quốc gia và Nhà hát West của người khiếm thính ở Los Angeles. Troy góp mặt trong mọi vở kịch nhỏ lẻ và trong các chương trình truyền hình như ScrubsCriminal Minds.

Troy Kotsur đóng cặp với Marlee Matlin - người khiếm thính đầu tiên đoạt giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc năm 1986 - trong CODA. Ảnh: Apple TV+

Trong “CODA”, Troy Kotsur đóng cặp với Marlee Matlin – diễn viên khiếm thính đầu tiên đoạt giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc năm 1986. Ảnh: Apple TV+

Sian Heder – đạo diễn CODA, người trao vai Frank Rossi cho Troy – nói: “Tôi luôn mang nỗi sợ những người khiếm thính không được nhận nhiều vai diễn trong các bộ phim. Đó là lý do tại sao tôi tạo ra vai diễn cho Kotsur, bởi tôi muốn đảm bảo rằng anh ấy tiếp tục được làm việc và có thêm nhân vật để đóng. Những gì tôi làm hi vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người sáng tạo, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn để tạo ra những vai diễn cho Troy và cho những diễn viên khiếm thính khác”.

Sau CODA, Troy nhận được một số kịch bản phim về thể loại hành động – phiêu lưu, về chân dung nhân vật lịch sử đã đứng lên đấu tranh giành quyền lợi, giúp đỡ cho những người khiếm thính.

Quế Chi (ABC15, Variety)

Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top