Trung Quốc đối mặt nguy cơ ‘già trước khi giàu’

Trung Quốc chưa tiến vào nhóm quốc gia thu nhập cao trong khi đang đối mặt thách thức là dân số già hóa và thế hệ trẻ trì hoãn sinh con do áp lực kinh tế.

Cici, 27 tuổi, không muốn sinh con ít nhất tới năm 35 tuổi. Mẹ đang gây áp lực buộc cô kết hôn và “sống ổn định”, nhưng trong lúc vừa bận rộn làm việc trong một công ty công nghệ ở Bắc Kinh vừa học thạc sĩ luật, Cici hầu như không có thời gian để nghĩ tới việc lập gia đình.

Chuyện của Cici không hiếm. Khắp thế giới, phụ nữ trẻ đang có xu hướng trì hoãn kết hôn và sinh con lâu hơn thế hệ bà và mẹ. Tuy nhiên, hiện tượng này ở Trung Quốc nghiêm trọng tới mức năm ngoái, dân số giảm 850.000 người. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc suy giảm dân số trong hơn 50 năm, khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp chưa từng có.

Dân số suy giảm báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tình trạng của Cici là điều thường thấy ở thế hệ Thiên niên kỷ tại nhiều quốc gia giàu có, nhưng Trung Quốc chưa thể xếp vào nhóm này. Ngân hàng Thế giới định nghĩa quốc gia có thu nhập cao là đất nước có GDP thu nhập bình quân đầu người trên 13.845 USD. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng vọt trong thế kỷ 21 nhưng mới chỉ lên mức 12.850 USD năm 2022. Nhiều nhà kinh tế lo ngại Trung Quốc sẽ “già trước khi giàu”.





Người dân Trung Quốc tại một hội chợ sách ở Bắc Kinh ngày 18/9. Ảnh: AFP

Người dân Trung Quốc tại một hội chợ sách ở Bắc Kinh ngày 18/9. Ảnh: AFP

Nhiều so sánh đang được đưa ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia bước vào thời kỳ kinh tế ảm đạm đầu những năm 1990. Nguyên nhân dẫn tới “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản khi giảm phát và tăng trưởng thấp kéo dài là thị trường chứng khoán sụp đổ, nhưng tình hình càng nghiêm trọng hơn do dân số già hóa.

Khoảng 14% dân số Trung Quốc hiện nay trên 65 tuổi, ngưỡng Nhật Bản đã trải qua năm 1993. Nhưng để tăng từ mức 10% lên 14%, Nhật Bản đã mất gần 10 năm, còn Trung Quốc chỉ trong 6 năm. Trong 20 năm tới, Trung Quốc đang trên đà tăng thêm số người trên 65 tuổi và số dân này đông hơn tổng dân số Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc nhận thức rõ vấn đề này. Năm 2016, Trung Quốc xóa bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, thay thế bằng chính sách giới hạn ba con. Một số tỉnh bãi bỏ hoàn toàn hạn chế quy mô gia đình trong nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con. Nhiều chính sách nữa được đưa ra như cho phép cặp vợ chồng mới cưới nghỉ phép 30 ngày hưởng lương, giảm giá chi phí thụ tinh nhân tạo, trợ cấp tiền mặt cho gia đình sinh con thứ hai và thứ ba.

Nhưng các chính sách này không tạo ra nhiều khác biệt. Thế hệ trẻ như Cici ngày nay có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ, không sẵn lòng tuân theo các chuẩn mực truyền thống về kế hoạch hóa gia đình.

Cici cho hay muốn ổn định sự nghiệp trước khi lập gia đình. Cô và bạn trai đã tiết kiệm hai triệu tệ (270.000 USD) để mua nhà ở Bắc Kinh, nơi giá bình quân mỗi m2 là 70.740 tệ (9.500 USD) hồi tháng 7.

Chừng nào những thanh niên như Cici cảm thấy số tiền tiết kiệm không tăng lên đủ để có con, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ tiếp tục co hẹp. Từ năm 2019 tới 2022, số người trong độ tuổi lao động giảm hơn 40 triệu người, khiến việc trợ cấp cho tầng lớp người cao tuổi thêm khó khăn.





Tỉ lệ % dân số trên 65 tuổi của Nhật Bản và Trung Quốc qua các năm. Đồ họa: Guardian

Tỷ lệ % dân số trên 65 tuổi của Nhật Bản và Trung Quốc qua các năm. Đồ họa: Guardian

Năm 2019, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo quỹ lương hưu nhà nước có thể cạn vào năm 2035. Lời cảnh báo đưa ra trước khi nền kinh tế chậm lại trong vài năm qua ảnh hưởng tới nguồn đóng góp quỹ lương hưu. Thời kỳ Covid-19, chính phủ Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp dừng đóng góp quỹ an sinh xã hội trong tối đa 6 tháng, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm 1.540 tỷ nhân dân tệ, nhưng cũng làm giảm nguồn thu vào quỹ hưu trí 13%, khiến hệ thống này lần đầu rơi vào tình huống thâm hụt.

Zoe Zongyuan Liu, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhóm nghiên cứu tại Mỹ, cho rằng thâm hụt lương hưu có thể là vấn đề ngắn hạn, “nhưng vì tình trạng dân số đang co hẹp, việc tăng lương hưu cơ sở sẽ khó khăn. Do đó, phải tăng cường đầu tư”.

“Chính phủ Trung Quốc đã và đang phát triển nhiều chương trình cho phép sử dụng quỹ lương hưu đầu tư vào nhiều loại tài sản để gia tăng lợi nhuận nhưng việc có tăng được hay không còn phụ thuộc nền kinh tế”, ông nói.

“Nếu kinh tế không tốt, nếu các khoản đầu tư không hiệu quả và chính phủ tiếp tục cắt giảm tỉ lệ đóng góp, tình trạng thâm hụt sẽ nghiêm trọng hơn”, Liu nhận định.

Trung Quốc là một trong những nước quy định độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới. Đàn ông có thể nghỉ hưu năm 60 tuổi, còn phụ nữ là 55 hoặc 50 đối với công nhân. Dư luận luôn phản ứng kịch liệt với các đề xuất tăng tuổi hưu. Năm nay, truyền thông nhà nước cho biết Bắc Kinh đang thúc đẩy kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu nhưng không nêu thời gian cụ thể.

Hồng Hạnh (Theo Guardian)


Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top