Vì sao dân số Trung Quốc giảm sau 60 năm?

Dân số Trung Quốc giảm do tỷ lệ sinh thấp từ chính sách một con, đại dịch khiến nhiều người trì hoãn kết hôn và lượng người di cư cao.

Ngày 17/1, Trung Quốc lần đầu ghi nhận dân số giảm sau 60 năm. Các chuyên gia đánh giá đây là “sự thay đổi đáng kể” đối với một quốc gia có ý định phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ sinh.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê công bố, dân số của Trung Quốc đại lục cuối năm 2022 là 1,411 tỷ người, giảm 850.000 người so với năm trước. Stuart Gietel-Basten, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết sự sụt giảm có thể làm phức tạp các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Một trong những nguyên nhân khiến dân số Trung Quốc giảm là chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ. Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm kể từ năm 1970 đến năm 1980, khi chính phủ ban hành chính sách một con. Chính sách này nhằm hạn chế sự gia tăng dân số và kích thích bùng nổ kinh tế.

Cuối cùng, nó dẫn đến tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận nhiều ca tử vong hơn ca sinh, theo dữ liệu chính phủ công bố tuần này. Giới chức cho biết nước này có 10,41 triệu người chết và 9,56 triệu người được sinh ra.

Năm 2015, Trung Quốc chấm dứt chính sách một con, bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Đến năm 2021, nước này một lần nữa nới quy định, các gia đình có thể sinh tối đa ba trẻ.

Yun Zhou, giáo sư trợ lý xã hội học tại Đại học Michigan, nhận định những nỗ lực nhằm đảo ngược tiến trình và khuyến khích các gia đình sinh thêm con gần đây của Trung Quốc chưa hiệu quả.

“Từ nghiên cứu của tôi, phụ nữ không muốn lập gia đình, thường ưu tiên công việc được trả lương cao và theo đuổi lý tưởng cá nhân”, Zhou nói, thêm rằng Trung Quốc đã khuyến khích các cặp vợ chồng dị tính kết hôn, song bỏ qua người thuộc cộng đồng LGBT và những người chưa kết hôn.





Trẻ em vui chơi bên trong khu mua sắm tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/6. Ảnh: Reuters

Trẻ em vui chơi bên trong khu mua sắm tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Covid-19 kéo dài hơn hai năm cũng làm giảm tỷ lệ sinh của Trung Quốc. Sau khi xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, đại dịch khiến đất nước phải phong tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, sức khỏe và tâm lý của nhiều người.

Gietel-Basten cho biết người Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra cũng như những thách thức khi làm việc tại nhà. Vì vậy, lập gia đình trong hoàn cảnh này càng thêm khó khăn.

Tháng 8/2022, Ủy ban Y tế Quốc gia cũng cho biết Covid-19 đã làm giảm tỷ lệ kết hôn và sinh con của nước này. Phụ nữ liên tục trì hoãn kế hoạch sinh con hoặc lấy chồng. Sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng dẫn đến những thay đổi sâu sắc.

Người trẻ tuổi di chuyển đến các đô thị, dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập. Môi trường làm việc áp lực cao khiến họ không có thời gian tìm kiếm cho mình một người bạn đời phù hợp.

Theo nghiên cứu Pew, số người di cư khỏi Trung Quốc sau mỗi năm lớn hơn, khiến dân số giảm. Kể từ năm 1960, khi Liên Hợp Quốc bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê, Trung Quốc đã có số lượng người di cư ròng âm – tức số người rời khỏi đất nước cao hơn số người đến nhập cư.

Năm 2021, nước này có khoảng 200.000 người di cư. Con số này giảm so với đầu những năm 1990, khi khoảng 750.000 người rời Trung Quốc mỗi năm.

Liên Hợp Quốc dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục trải qua tình trạng di cư ròng âm ít nhất đến năm 2100, ước tính khoảng 310.000 người rời khỏi đất nước mỗi năm.

Thục Linh (Theo NPR, Reuters)


Vnexpress.net

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top